Người phụ nữ dịu dàng, tĩnh tại nhưng không kém phần sống động trong "Thị" Exhibition

Nét cung đình Huế hiện lên trong các "Thị" qua trang phục, phong thái

Người phụ nữ dịu dàng, tĩnh tại nhưng không kém phần sống động trong "Thị" Exhibition

Triển lãm ‘Thị’ (Her) là tập hợp 15 sáng tác của Bảo Hạnh trải dài từ những năm 2007 đến 2018, với mong muốn đem đến giới mô điệu những tâm tình của cô về tính nữ, về chữ ‘thị’ cũng như những biến chuyển sáng tác trải dài hơn một thập kỷ của nữ họa sĩ.

Sinh ra và lớn lên tại Huế, nên những câu chuyện về hoàng tộc, một thời của lịch sử từ lâu đã trở thành một phần trong Bảo Hạnh. Có lẽ vì thế, mà những cô gái trong trang phục cung đình còn phảng phất một nét hoài niệm rất đỗi thân thương. Với tông màu nhẹ nhàng có chút "thơ", cùng với việc tập trung khắc họa từng chi tiết, các "Thị" trong triển lãm hiện lên với vẻ đẹp thanh lịch, đoan trang, mang phong thái tĩnh tại, nhẹ nhàng.

Nữ họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh trong ngày khai mạc triển lãm "Thị" (Her).

CÁI NHÌN TRỰC DIỆN VÀO THẾ GIỚI NỘI TÂM CÁC "THỊ"

Chuyện kể rằng, trong xã hội phong kiến Việt Nam, khi tên riêng thường chỉ dành cho nam giới, chữ “thị” sẽ được gọi sau tên họ của người nữ để xác định người con gái ấy thuộc gia tộc nào. Khi đến tuổi cập kê và lập gia đình, tên của cô ta sẽ được cấu thành bởi họ cha và họ chồng, ghép cùng với chữ “thị” (như Lý Trần thị, ý chỉ người con gái vốn thuộc nhà họ Lý, nay đã là dâu nhà họ Trần).

Cứ như thế, “phu nhân xưng thị” trở thành một thói quen trong cách đặt tên của rất nhiều thế hệ. Ngày nay, khi chữ “thị” dần không còn là đại từ danh xưng phổ biến trong xã hội hiện đại, cách gọi ấy dường như trở thành một điểm gợi nhớ về một thời đã qua, về những gì thuộc về phạm trù truyền thống của người Việt.

Tác phẩm "Đêm hè" (2014).

Có thể nói, Hạnh luôn trung thành theo đuổi trường phái nghệ thuật Nguyên thủy (Primitivism) trong tranh vẽ các người nữ. Với cách tạo hình này, hoạ sĩ chủ yếu tập trung miêu tả sự đối lập giữa trạng thái tĩnh của chuyển động cơ thể nhân vật với ánh mắt long lanh sống động - ví như cửa sổ để nhìn vào nội tâm đang không ngừng chuyển động bên trong họ. Nữ họa sỹ tập trung mô tả những ‘cửa sổ tâm hồn’, để qua đó những suy tư, nội tâm, khí chất của người nữ được thể hiện.

Tác phẩm "Đàm đạo" (2009).

Đó là một cái nhìn dịu dàng ẩn giấu nỗi niềm, một ánh mắt kiên nghị, một ánh nhìn trìu mến pha chút đanh thép, một đôi mắt toát lên vẻ kiêu hãnh tột cùng, hay một sự trong trẻo và háo hức trước những điều mới mẻ. Những sắc thái của đôi mắt như cất tiếng nói thinh lặng giao tiếp với người xem, để rồi bằng cách nào đó, họ kiếm tìm được sự đồng cảm với tâm tình của nhân vật trong tranh Hạnh, những cô gái có nội tâm đôi phần phức tạp.

Người phụ nữ với ánh nhìn trực diện, phong thái tĩnh tại dịu dàng trong tác phẩm "Ẩn dấu" (2012).

Trái ngược với ánh mắt sống động là sự tĩnh tại đến lạ thường trong phong thái của các "Thị". Từ dáng đứng, cách để tay đều toát lên vẻ dịu dàng, đoan trang của người phụ nữ. Dù sử dụng màu sắc hài hòa, thế nhưng nét tương phản vẫn hiện lên rõ ràng trong ánh mắt với phong thái đầy suy tư của nhân vật. Thoạt nhìn, khán giả có thể dễ dàng thấy được sự nhu mì, duyên dáng của những cô gái. Nhưng đằng sau vẻ nhu mì là sự cương trực, kiên định khi vượt qua nhiều sóng gió để tìm thấy sự bình yên cho chính mình. 

Ánh mắt của những cô gái trong tranh Hạnh đều là một ánh nhìn trực diện không che giấu.

ÁO DÀI HUẾ HÀI HÒA TRONG VẺ ĐẸP KIÊU HÃNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Văn hóa xứ Huế hiện lên đầy tinh tế bởi những đường nét tỉ mỉ cùng sự trau chuốt đến từng chi tiết trong những tác phẩm nghệ thuật của nữ họa sỹ Bảo Hạnh. Dù không chú trọng về việc định danh, nhưng khán giả khi xem tranh có thể nhận ra những nét "rất Huế" trong các tác phẩm thuộc triển lãm lần này.

Điều này trước hết được thể hiện qua khuynh hướng trang phục có nét tương đồng qua những bức tranh trong triển lãm. Các "Thị" đều được nữ họa sĩ khoác lên cho mình những bộ áo dài truyền thống cung đình Huế. Dù trải qua bao nhiêu năm, áo dài cố đô vẫn giữ được những nét kín đáo, thùy mị, toát lên một vẻ thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, lễ nghĩa, nói năng, cư xử. Người con gái Huế được răn dạy kỹ càng, nghiêm ngặt, thậm chí là khắt khe về chữ công - dung - ngôn - hạnh. 

Nữ họa sỹ chú trọng vào từng chi tiết trong những chiếc áo dài.

Khi nhìn kỹ vào chiếc áo dài của người dân xứ Huế thời ấy khi nhìn kỹ sẽ thấy đó là tác phẩm nghệ thuật công phu của những người thợ may. Mỗi đường kim, mũi chỉ được may thêu tỉ mỉ, việc sắp đặt nút áo cũng thể hiện năng khiếu của người "nghệ nhân" áo dài. Giá trị của mỗi chiếc áo được thể hiện ở sự phối hợp hài hòa giữa những sắc màu, quan niệm nhân sinh quan trên chiếc áo.

Nếu người những người thợ may sử dụng đường kim, mũi chỉ để tạo ra sự độc đáo riêng trong từng chiếc áo, thì người họa sỹ lại dùng đường nét, màu sắc để tái hiện vẻ đẹp này qua những bức tranh. Điển hình trong số những chiếc áo dài trong triển lãm lần này là áo dài ngũ thân. Chiếc áo gắn liền với đời sống bình dân của con người xứ Huế được khắc họa sinh động, ấn tượng trên hình thể của các "Thị" qua đôi bàn tay của nữ họa sỹ Phan Lê Bảo Hạnh.

Vẻ bề ngoài của các "Thị" đều được trau chuốt từng một qua những phụ kiện đi kèm với trang phục. Nếu để ý, khán giả sẽ thấy được những viên ngọc sáng trong xuất hiện trong hầu hết những bức tranh. Từ chiếc trâm cài tóc có đính những viên ngọc, hoa tai ngọc, vòng ngọc, hay một viên ngọc được đặt để trên bàn tay của người phụ nữ. Ngọc là biểu tượng cho sự quý phái, sang trọng. Các cô gái không chỉ nền nã trong trang phục cung đình Huế, mà còn sang trọng trong những bộ trang sức, phụ kiện bằng ngọc đầy ấn tượng.

"Hiệu ứng" hạt mưa như một cách để "trả lại" sự trong sạch, gột rửa những ô uế tầm thường của xã hội định kiến lên người phụ nữ.

Đoan trang, quý phái và kiêu kỳ là thế, nhưng những người phụ nữ dù sống trong kỷ cương khắt khe thời trước vẫn phải sống trong định kiến xã hội. Người phụ nữ, dù thời xưa hay thời nay, vẫn còn phải chịu ảnh hưởng nhất định từ những ô uế không mong muốn. Khi những hạt mưa rơi xuống, chúng gột rửa hết tất thảy những định kiến, gièm pha của người đời, trả lại sự trong sạch, liêm khiết, dịu dàng cho những người phụ nữ.

Đoạn nhạc với những câu từ do nữ ca sỹ trẻ Tinee vang lên như khép lại buổi triển lãm:

"Khi xưa bảo một chẳng dám nói hai

Định kiến xã hội em đâu dám sai

Yêu thương chẳng đến phiên em định đọa

Tam tòng tứ đức vác ở trên vai..."

Một số hình ảnh trong triển lãm "Thị" (Her):

Triển lãm được trưng bày tới ngày 07/05 tại khách sạn Fusion Original Saigon.
Những bức tranh về tĩnh vật cũng được Lotus Gallery chọn lựa để mang đến triển lãm lần này.
Khán giả chú ý tới những đường nét chi tiết trong tranh Hạnh.
Bức tranh ấn tượng được nhiều khán giả quan tâm.
Nữ họa sỹ Phan Linh Bảo Hạnh chụp ảnh cùng đại diện Lotus Gallery và Fusion Original Saigon tại buổi khai mạc triển lãm.

Thực hành mỹ thuật từ những năm 2007, nữ hoạ sĩ Bảo Hạnh sáng tác với đa dạng chủ đề. Từ phong cảnh, tĩnh vật, động vật và con người, từ các cô gái người Kinh đến các thiếu nữ Chăm, Khơme, H’mong, Ba na. Tuy nhiên, hình ảnh các “thị” luôn tạo được sự chú ý và có phần nổi trội hơn các chủ đề còn lại. Đây cũng chính là hình tượng giúp Hạnh ghi dấu ấn cá nhân mỗi khi cái tên Bảo Hạnh được giới mộ điệu nhắc đến.

 
LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE