Khi bảo tàng lớn nhất Thụy Sĩ lại là bảo tàng ô uế

Bảo tàng Kunsthaus Zürich mới đây đã trở thành bảo tàng nghệ thuật lớn nhất của Thụy Sĩ, nhưng đồng thời nó cũng bị chỉ trích là một "bảo tàng ô uế"

Khi bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Thụy Sĩ lại là một "bảo tàng ô uế"

Với nỗ lực muốn đưa Zürich (Thụy Sĩ) trở thành một điểm đến văn hóa-nghệ thuật, Bảo tàng Kunsthaus Zürich của thành phố này đã được mở rộng thành bảo tàng nghệ thuật có quy mô lớn nhất Thụy Sĩ. Thế nhưng, những câu chuyện còn lại từ quá khứ và chiến tranh lại đang khiến nơi này mang thêm danh tiếng là "bảo tàng ô uế".

Trở thành bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Thuỵ Sĩ

Kunsthaus Zürich (tiếng Đức nghĩa là Căn nhà Nghệ thuật Zürich) là một bảo tàng nghệ thuật ở thành phố Zürich của Thuỵ Sĩ, được thành lập vào năm 1787. Ở đây trưng bày BST hội họa châu Âu đa dạng từ thời kỳ Phục hưng đến hiện đại, cùng với các tác phẩm điêu khắc, bản vẽ và bản in. Bảo tàng Kunsthaus Zürich chuyên về các bức tranh thời Trung cổ của Đức, lưu giữ nhiều hiện vật điêu khắc gỗ và đá, cũng như các bức tranh hiện đại của các nghệ sĩ vùng Zürich.

Một góc thành phố Zürich, nơi có Bảo tàng Kunsthaus Zürich.

Ngày 9/10 vừa qua, Bảo tàng hoàn tất quá trình mở rộng quy mô, trở thành bảo tàng nghệ thuật lớn nhất tại Thuỵ Sĩ. Toà nhà hình lập phương mới xây do kiến trúc sư người Anh David Chipperfield thiết kế, được đặt đối diện với toà nhà ban đầu ở Quảng trường Trung tâm, đã tăng gấp đôi không gian triển lãm của Bảo tàng. Băng qua một khoảng giếng trời thoáng mát đến một khu vườn mới xây, ở cuối những bậc cầu thang lát đá cẩm thạch là các phòng trưng bày rộng lớn ngập ánh sáng mang đậm phong cách hiện đại.

Ở tầng hai, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác của Monet, Cézanne, Gauguin, Van Gogh và Degas. Các tác phẩm này từng thuộc sở hữu của Emil Georg Bührle, một nhà tư bản công nghiệp người Thuỵ Sĩ, mất năm 1956. Mặc dù từ lâu người ta đã biết Bührle kiếm được khối tài sản khổng lồ bằng cách buôn bán vũ khí cho Đức Quốc xã, và ông mua lại các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng bị cướp bóc hoặc trấn lột từ những người chủ cũ, nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều tiết lộ mới về những chuyện liên quan đến Emil Bührle.

Hai tuần ngay trước khi khu vực trưng bày mới được mở cửa, một cuốn sách về chính Bảo tàng Kunsthaus Zürich của nhà Sử học Erich Keller được xuất bản, với tiêu đề dịch từ tiếng Đức là "Bảo tàng ô uế".

Trả lời các câu hỏi trong một cuộc họp báo ngày 7/10, Christoph Becker, Giám đốc Bảo tàng Kunsthaus nói: "Chuyện cũng khó. Nhưng có tranh luận là tốt".

Những ô uế

Bührle và Bảo tàng Kunsthaus Zürich đã có mối liên hệ từ năm 1940, khi Bührle trở thành một thành viên của Ban quản trị Bảo tàng. Ông cũng từng tài trợ cho lần mở rộng Bảo tàng vào năm 1968. Ngay trước lối vào của một phòng triển lãm là bức tượng bán thân của Emil Bührle và tấm bảng thuyết minh để cảm ơn sự đóng góp của ông.

Hiện tại, 203 tác phẩm nghệ thuật thuộc BST Tổ chức E.G.Bührle - một tổ chức được gia đình của Bührle thành lập sau khi ông qua đời - đã được chuyển sang Bảo tàng Kunsthaus với thời hạn là 20 năm, sẽ có khoảng 170 hiện vật trong số đó được trưng bày tại toà nhà mới xây của Bảo tàng.

Chân dung Emil Georg Bührle - Ảnh: Kunsthaus Zürich

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhà Sử học Keller cho rằng Bảo tàng Kunsthaus đáng lẽ không bao giờ nên chấp nhận lời đề nghị trưng bày những tác phẩm đó của Tổ chức Bührle. Ông nói: "Đó là một bộ sưu tập được xây dựng bằng tiền bán vũ khí, lao động nô lệ và lao động trẻ em".

Sinh năm 1890 tại Đức, Emil Bührle từng phục vụ trong quân đội Thuỵ Sĩ thời Thế chiến I, sau đó bắt đầu làm việc cho một nhà sản xuất dụng cụ ở thành phố Magdeburg. Ông chuyển đến Zürich vào năm 1924, sau đó được cấp bằng sáng chế và sản xuất pháo phòng không để bán trên khắp thế giới. Trong Thế chiến II, công ty của Bührle sản xuất vũ khí cho cả Đồng minh và Đức Quốc xã, ông trở thành người giàu nhất Thụy Sĩ. Mặc dù quân Đồng minh từng đưa công ty của Emil Bührle vào danh sách đen sau cuộc chiến, nhưng cuộc tẩy chay đã được dỡ bỏ vào năm 1946 và việc kinh doanh của ông tiếp tục được mở rộng.

Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến 1956, Emil Bührle đã mua hơn 600 tác phẩm nghệ thuật, gồm cả những tác phẩm "được" Đức Quốc xã cướp bóc từ người Do Thái. Năm 1948, Tòa án Tối cao Thụy Sĩ từng yêu cầu ông trả lại 13 bức tranh.

Khi những kiệt tác theo trường phái Ấn tượng của bộ sưu tập trên được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia ở Washington vào năm 1990, nhà phê bình Michael Kimmelman đã nêu ý kiến trên tờ New York Times rằng, họ “đáng lẽ không nên thực hiện” cuộc triển lãm. “Vấn đề không phải là không nên chiêm ngưỡng những tác phẩm này, mà là chúng nên được chiêm ngưỡng trong một bối cảnh có ý nghĩa” - ông viết.

Phòng trưng bày các tác phẩm hội hoạ trong bộ sưu tập của Emil Bührle
Tại một (trong số hàng chục) căn phòng trưng bày BST gây tranh cãi của Bảo tàng Kunsthaus, họ dựng một màn hình giới thiệu về sự nghiệp và lai lịch các tác phẩm nghệ thuật của ông.

Khi những nhà làm sử muốn đòi lại tiếng nói cho quá khứ

Trước buổi lễ khai mạc tại Kunsthaus, các quan chức Zürich đã uỷ quyền cho Đại học Zürich để xem xét tiểu sử của Emil Bührle và nghiên cứu nguồn gốc khối tài sản mà ông dùng để mua các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trách nhiệm tìm hiểu lai lịch của riêng từng tác phẩm lại nằm ngoài phạm vi của nghiên cứu đó. Bản thân Tổ chức Bührle cũng đã tiến hành tra xét xuất xứ của các tác phẩm này vào năm 2002, kết quả được công bố trên trang web chính thức của Tổ chức.

Thế nhưng, nhà Sử học Keller lại bày tỏ sự nghi ngờ về nghiên cứu trên, ông gọi các báo cáo được công bố trên trang web của Tổ chức là "một bộ lọc nhằm che giấu những sự thật mang tính quyết định". Keller lấy một tác phẩm năm 1879 của Cézanne làm ví dụ: bức Paysage. Tổ chức Bührle không hề đề cập đến việc chủ sở hữu trước của bức tranh - Martha và Berthold Nothmann - là người Do Thái. Trên web công bố rằng hai vợ chồng "rời khỏi Đức vào năm 1939", thay vì thẳng thắn nói họ phải chạy trốn khỏi sự đàn áp.

"Bây giờ, chúng tôi có thể chắc chắn rằng không có tác phẩm nào từng bị cướp bóc. Nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng trong tương lai, sẽ có những thông tin mới được đưa ra ánh sáng" - Giám đốc Bộ sưu tập của Tổ chức E.G.Bührle trả lời với truyền thông.

Bức vẽ Poppy Field Near Vétheuil của Claude Monet được Bührle mua vào năm 1941 tại một phòng trưng bày ở Thuỵ Sĩ, với giá thấp hơn một nửa giá thị trường.

Và những nhà làm văn hóa muốn hướng đến tương lai

Corinne Mauch, Thị trưởng của Zürich, là người đứng sau cả hai nghiên cứu của Đại học Zürich và của Tổ chức Bührle. Bà chia sẻ hy vọng rằng việc mở rộng Bảo tàng Kunsthaus sẽ tăng sức hấp dẫn của Zürich với tư cách là một điểm đến văn hóa. "Trước giờ Zürich vẫn luôn ược coi là trung tâm tài chính và ngân hàng, trong những năm gần đây, nó đã trở thành một trung tâm văn hóa. Và tòa nhà mới này là một cột mốc quan trọng".

Bà Corinne cũng gọi Tổ chức Bührle là người tiên phong của Thuỵ Sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử sở hữu các tác phẩm nghệ thuật.

"Tôi không nghĩ cuộc tranh luận này sẽ kết thúc chỉ vì chúng ta đã hoàn tất việc mở rộng Bảo tàng và sẽ trưng bày các tác phẩm đó" - Corinne nói. "Công bố những bức tranh này là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải công bố chúng một cách đứng đắn, nghĩa là phải đối mặt với những khía cạnh còn nhiều thắc mắc".

Những tác phẩm thuộc sở hữu của Emil Bührle khi được trưng bày tại các bảo tàng khác.

Hiện tại, phòng trưng bày Bộ sưu tập Emil Bührle tại Bảo tàng Kunsthaus Zürich đã được mở cửa cho công chúng, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm trực tuyến hoặc mua vé trên trang web chính thức của Bảo tàng.

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE