Indonesia - nơi trú ngụ của rồng đất

Nơi đây là quê hương của loài thằn lằn lớn nhất và nguy hiểm nhất hành tinh

Indonesia - nơi trú ngụ của sinh vật thời tiền sử

Indonesia không chỉ có hòn đảo Bali xinh đẹp mà còn rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác. Với du khách yêu thích thiên nhiên hoang dã và các loài động vật thì không nên bỏ qua vườn quốc gia Komodo.

Vườn Quốc gia Komodo thuộc quần đảo Nusa Tenggara của Indonesia, nằm trên khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Nusa Tenggara Timur và Nusa Tenggara Barat. VQG bao gồm ba đảo lớn Komodo, Padar và Rinca và 26 đảo nhỏ, với tổng diện tích 1.733 km² (603 km² là đất liền). 

Các hòn đảo đều có nguồn gốc núi lửa. Địa hình khá gồ ghề, nhiều đồi, với độ cao có thể đạt 735 m. Khí hậu ở đây thuộc loại khô nhất Indonesia với lượng mưa hàng năm từ 800 đến 1.000 mm. Nhiệt độ trung bình mùa khô (tháng 5-10) là chừng 40 °C.

Nơi trú ngụ của sinh vật thời tiền sử

Vườn Quốc gia Komodo được thành lập năm 1980 với mục đích ban đầu là bảo vệ giống Rồng Komodo, loài thằn lằn duy nhất trên thế giới còn sót lại từ thời tiền sử. Loài rồng đất này hiện chỉ sống trên các đảo Komodo, Rinca, Gili Motang, Nusa Kode của Indonesia trong đời sống hoang dã. Chúng có liên hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng sống cách nay hàng triệu năm…

Được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1910 tại đảo Komodo (Indonesia), rồng Komodo có tên khoa học “Varanus komodoensis” thuộc họ Kỳ đà (Varanidae), là một trong số những loài thằn lằn lớn nhất thế giới với chiều dài có thể đến 3 m và nặng trên 160 kg. 

Rồng Komodo có tuổi thọ trung bình 30 năm nhưng cũng có thể lên đến 50 năm. Chúng thường mất từ 3-5 năm để trưởng thành và đạt độ chín về sinh sản ở độ tuổi 8-9. Mùa sinh sản của rồng Komodo thường vào tháng 9.

Cũng như những loài bò sát máu lạnh khác, rồng Komodo thường giảm thiểu tối đa các hoạt động để bảo tồn năng lượng, nhưng khi cần chúng vẫn có thể phát huy tổng lực để tăng tốc độ đến 20 km/h khi săn mồi hay chạy trốn kẻ thù. Rồng Komodo rất giỏi bơi lội, có thể lặn sâu 4-5 m để săn mồi và còn có khả năng leo trèo khá chuyên nghiệp nhờ những chiếc móng vuốt rất sắc và khỏe.

Chúng được xếp vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng và là loài động vật tấn công săn mồi cực kỳ nguy hiểm. Bởi vậy, an ninh khi vào VQG được siết chặt, vừa để đảm bảo môi trường sống cho các loài động vật hoang dã, vừa bảo vệ an toàn cho khách du lịch.

Vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ

Bên cạnh rồng Komondo, VQG còn bảo vệ hàng ngàn loài động thực vật quý hiếm. Tại đây tập trung hơn 260 loài san hô và vẫn đang kiến tạo những rạn san hô mới; 70 loài khác nhau của bọt biển, các loài động vật giáp xác, sụn bao gồm cả cá đuối và cá mập; hơn 1.000 loài cá có xương, các loài bò sát biển bao gồm cả rùa biển, động vật có vú như bò biển, cá voi (14 loài), cá heo, cá nược…

Các loài động vật trên cạn không nhiều, trong đó có một số loài qúy hiếm như nai Timor, chuột rừng đặc hữu Rinca, gà chà chân cam, khỉ đuôi dài, dơi ăn quả, cầy hương, ngựa hoang dã, trâu, heo rừng… cùng một số loài bò sát nguy hiểm như rắn hổ mang, rắn hổ Russel… Theo ghi nhận, đa phần các loài có vú đều có nguồn gốc châu Á, một số loài bò sát và các loài chim có nguồn gốc từ châu Úc.

Đến đây, du khách có thể tham gia các hoạt động lặn biển ngắm san hô, bơi cùng cá heo, cá mập… Các điểm lặn nổi tiếng khác bao gồm Batu Bolong và các đảo Tatawa. Nơi bạn thậm chí có thể tìm thấy những chú cá mập đầu trắng và những khu vườn san hô tuyệt đẹp.

Đảo Padar cũng là một điểm đến lý thú trong khuôn viên Vườn Quốc gia Komodo. Hòn đảo được hình thành từ một núi lửa đã ngưng hoạt động nằm giữa đại dương. Do đó, nó mang một vẻ đẹp bí hiểm, kỳ vĩ. Đặc biệt nhất là trải nghiệm đi bộ và chụp ảnh trên “sống lưng khủng long” - ngọn núi chạy thẳng hướng ra biển xanh bao la.

Gili Laba là tên gọi một hòn đảo nhỏ bé thuộc Vườn quốc gia Komodo. Với địa hình gắn với những đồi núi trập trùng. Nơi đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động khám phá leo núi.

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE