Số ca nhiễm toàn cầu vượt 3,4 triệu

Tổng hợp diễn biến djch bệnh Covid-19 ngày 2/5 ở Việt Nam và thế giới

Số ca nhiễm nCovi trên toàn cầu vượt 3,4 triệu; Việt Nam không có ca nhiễm mới

Đến sáng 2/5, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 3.400.607, số người tử vong là 239.568, số ca phục hồi là 1.081.588. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với hơn 1 triệu ca nhiễm. Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới Covid-19 nào.

16 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến 6h sáng 2/5, Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới Covid-19 nào trong cộng đồng. Số ca nhiễm hiện tại vẫn là 270 và đã có 219 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh và xuất viện. 53 bệnh nhân còn lại hiện đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có 14 ca dương tính trở lại sau khi xuất viện. Đã có 16 ca trong số các bệnh nhân đang điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên. Ngoài ra, Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

92 người liên quan đến BN 92 ở TP. HCM đều có kết quả xét nghiệm âm tính

Ngày 1/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, 92 người (gồm 87 người cư trú tại Chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1 và 5 nhân viên cửa hàng tiện lợi) đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV- 2. Đây là những người có liên quan đến bệnh nhân 92, bệnh nhân tái dương tính trở lại thứ 4 của Tp. Hồ Chí Minh.

Việt Nam đưa gần 300 công dân tại Canada về nước

Tối 1/5, Vietnam Airlines cho biết chuyến bay từ Canada mang số hiệu VN08 đưa 300 công dân Việt Nam về nước đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn. Ngay sau đó, tất cả hành khách, phi hành đoàn đã được kiểm tra sức khỏe và thực hiện cách ly tập trung theo quy định. Đây là lần đầu tiên máy bay của Vietnam Airlines bay đến sân bay Toronto ở Canada chở gần 300 công dân Việt Nam, trong đó có nhiều trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau và du học sinh, trở về quê nhà sau thời gian dài bị kẹt vì đại dịch. Đại sứ quán Việt Nam tại Ottawa đã cử cán bộ tới Toronto trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trước đó các cơ quan chức năng của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và Vietnam Airlines đưa một số công dân Canada về nước. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, năng lực cách ly tại các địa phương trong nước và diễn biến của dịch bệnh, các cơ quan chức năng và các hãng hàng không sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước.

Mỹ thông báo viện trợ Việt Nam 9,5 triệu USD chống dịch COVID-19

Ngày 1/5, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Việt Nam sẽ được nhận tổng số tiền viện trợ là 9,5 triệu USD nhằm ứng phó với dịch Covid-19, trong đó bao gồm 5 triệu USD cho quỹ hỗ trợ kinh tế và 4,5 triệu USD để hỗ trợ cho y tế. Trong 20 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 1,8 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 706 triệu USD cho y tế.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Mỹ cam kết chi 775 triệu USD cho hỗ trợ y tế khẩn cấp, nhân đạo, kinh tế và phát triển nhằm giúp chính phủ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ chống lại đại dịch.

Số người chết vì Covid-19 tại châu Âu vượt 140.000

Đến sáng 2/5 giờ Việt Nam, tổng số người chết vì Covid-19 tại châu Âu đã vượt qua 140.000 người. Châu Âu hiện là châu lục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nhất với 1.495.293 ca nhiễm bệnh, trong đó có 140.096 người tử vong, chiếm gần 60% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Các nước châu Âu có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất gồm Ý (28.236 người), Anh (27.510 người), Tây Ban Nha (24.284 người) và Pháp (24.594 người)

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý, trong ngày 1/5, nước này ghi nhận thêm 1.965 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 207.428. Số ca tử vong do Covid-19 tại Ý đã tăng 269 ca trong vòng một ngày qua, lên 28.236 ca.

Số ca tử vong do nhiễm Covid-19 tại Anh ngày 1/5 đã tăng thêm 739 người, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 27.510 người. Hiện nay, Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 tại châu Âu, sau Ý. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tuyên bố, Anh đã đạt được mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm trong ngày cuối tháng 4.

Tính đến sáng 2/5, số ca tử vong do nhiễm Covid-19 tại Pháp đã lên tới 24.594 người, tăng 218 ca trong 24 giờ, số người chết trong 24 giờ thấp nhất trong hơn 5 tuần qua. Chính phủ Pháp công bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sẽ được nới lỏng từ 11/5, nhưng tiến trình thực hiện sẽ chậm hơn tại những vùng bị ảnh hưởng dịch nặng.

Cùng với Pháp, Tây Ban Nha cũng khẳng định xu hướng giảm dịch bệnh khi trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận thêm 281 người chết. Tây Ban Nha sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch cuối tuần này, cho phép mọi người được ra ngoài tham gia các hoạt động thể thao.

Gần 3.000 người trên du thuyền Đức bị cách ly

Thông báo từ công ty du lịch TUI của Đức ngày 1/5 cho biết: 2.899 người (gồm thủy thủ đoàn và hành khách) trên du thuyền Mein Schiff 3 của họ đã bị cách ly ở cảng Cuxhaven thuộc bờ Biển Bắc của Đức sau khi một người trên du thuyền dương tính với Covid-19.

Du thuyền Mein Schiff 3

Trong vòng 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 1.068 ca nhiễm Covid-19 và 133 ca tử vong, nâng tổng số ca lần lượt lên 164.077 và 6.736. Từ ngày 4/5, Đức sẽ cho phép các tổ chức tôn giáo, sân chơi, bảo tàng và sở thú mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo "các yêu cầu về vệ sinh, kiểm soát ra vào và tránh xếp hàng dài". Ngày 6/5, giới lãnh đạo Đức sẽ họp để ra quyết định về việc mở lại trường học, nhà hàng và giải bóng đá.

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nga nhập viện vì COVID-19

Một ngày sau khi thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo nhiễm virus corona, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nga Vladimir Yakushev cũng đã nhập viện vì Covid-19. Hãng tin Interfax cho biết một thứ trưởng của Bộ Xây dựng Nga cũng đã nhiễm bệnh. Hãng tin này dẫn lời ông Yakushev cho biết ông đã được các bác sĩ tại một bệnh viện ở Moscow điều trị.

Nga hiện có 114.431 ca bệnh, mức cao thứ 8 thế giới, trong đó có 1.169 người chết, hầu hết ở vùng Moscow và thành phố Saint Petersburg. Chính quyền Nga đã đóng cửa hầu hết nơi công cộng từ cuối tháng 3 để ngăn virus lây lan. Tổng thống Nga Putin thông báo kéo dài kỳ nghỉ có lương tới hết ngày 11/5, yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì nghiêm ngặt "cách biệt cộng đồng" và cho biết Nga có thể từng bước nới lỏng hạn chế từ ngày 12/5, tùy theo tình hình đại dịch.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ liên tục giảm

Đại học Johns Hopkins cho biết thêm 32.908 người nhiễm Covid-19 tại Mỹ trong 24 giờ qua, cao hơn mức tăng gần 30.000 ca hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.100.197. Mỹ tiếp tục là vùng dịch có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.

Các cuộc biểu tình yêu cầu dỡ phong tỏa tiếp tục diễn ra tại nhiều bang của Mỹ, như ở Michigan, nhiều người biểu tình mang theo súng tập trung ở sảnh tòa nghị viên đòi thống đốc mở cửa kinh tế, song đã bị cảnh sát ngăn lại

New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, với 313.575 ca nhiễm, tăng 9.203 ca so với hôm trước. Thêm 289 người chết tại bang này, mức giảm liên tục trong nhiều ngày qua và thấp nhất kể từ 30/3. Tổng số người chết tại New York là 23.841. Thống đốc Andrew Cuomo thông báo tất cả các trường học tại bang sẽ đóng cửa đến hết năm học và chuyển sang giảng dạy từ xa. Chương trình học mùa hè của các trường sẽ được thông báo vào cuối tháng 5.

Trong khi đó, một số bang Mỹ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 1/5, bất chấp số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tiếp tục tăng. Texas là bang mở cửa nhiều nhất, cho phép các cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng và thư viện hoạt động với 25% công suất.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nam Mỹ có thể cao hơn nhiều so với số liệu

Brazil ghi nhận thêm 6.357 ca nhiễm và 483 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên lần lượt 91.737 và 6.384. Theo Bộ Y tế Brazil, số người chết có thể cao hơn con số chính thức, trong khi các chuyên gia tin rằng ca nhiễm ở nước này có thể cao hơn 12-15 lần số liệu hiện tại do lượng lớn các trường hợp không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm hạn chế.

Bang Rio de Janeiro, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở nước này, tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà cho đến 11/5. Tổng thống Jair Bolsonaro thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động hoạt động kinh tế. Bolsonaro cũng gây tranh cãi khi cho rằng Covid-19 chỉ như cúm thường và khiến người dân bất mãn với cách ứng phó dịch bệnh của chính quyền ông.

Lãnh đạo và người dân các nước Nam Mỹ như Brazil, Mexico, Nicaragua có xu hướng coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19

Mexico báo cáo 19.224 ca nhiễm và 1.859 ca tử vong, tăng lần lượt 1.425 và 127 ca. Chính phủ nước này cho biết số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.

Mặc dù số ca nhiễm mới đang gia tăng, chính phủ đang đối mặt với những lời kêu gọi nới lỏng các hạn chế đối với ngành công nghiệp. Hơn 300 giám đốc điều hành Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador vào tuần trước để thúc giục nhanh chóng mở lại các nhà cung cấp của họ ở Mexico.

Trung Đông nới lỏng lệnh giới nghiêm trong tháng lễ Ramadan

Arab Saudi ghi nhận 1.344 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 24.097 và 169. Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tuy nhiên, thánh địa Mecca vẫn giữ nguyên các biện pháp phong tỏa 24/7. Tại những nơi khác, người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được hoạt động trở lại.

UAE báo cáo 557 ca nhiễm mới và thêm 6 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 13.038 và 111

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 95.646 ca nhiễm, tăng 1.006. Nước này ghi nhận thêm 63 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 18 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 6.091. Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước. Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.

Trung Quốc và Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh

Trung Quốc chỉ phát hiện một ca ngoại nhập mới trong 24h qua. Nước này không ghi nhận thêm ca tử vong, duy trì số người chết ở 4.633 trong tổng số 82.875 ca nhiễm; 989 người nhiễm không triệu chứng đang được giám sát. Tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc, hạ phản ứng khẩn cấp với Covid-19 từ mức cao nhất xuống mức cao thứ hai từ ngày 2/5. Hồ Bắc 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới.

Hàn Quốc báo cáo 6 ca mới, tất cả là ca ngoại nhập, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca mới dưới 10. Thêm hai người tử vong, nâng tổng số lên 250 trong số 780 ca nhiễm. 9.123 người đã bình phục.  Ngày 3/5, Hàn Quốc sẽ công bố liệu họ có nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép trường học và công sở mở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện biện pháp phòng ngừa. 

Ấn Độ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc

Tại Nam Á, Ấn Độ phát hiện 2.394 ca nhiễm mới và 69 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 37.257 và 1.223. Giới chức chia đất nước thành các khu vực màu đỏ, cam và xanh, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch tại địa phương. Lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ hết hạn vào ngày 4/5, tuy nhiên, chính phủ đã quyết định gia hạn thêm hai tuần, nhưng cho phép nới lỏng một số hạn chế ở khu cam và xanh.

Giao thông hàng không, đường sắt và tàu điện ngầm và đường bộ liên tỉnh vẫn bị cấm ở Ấn Độ, trường học, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim và cơ sở tôn giáo tiếp tục đóng cửa

Đông Nam Á vẫn là điểm nóng dịch bệnh

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.725 ca nhiễm Covid-19, nâng số người nhiễm toàn khu vực lên 46.179, trong đó 1.558 người đã chết. Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 17.101 người nhiễm và 16 người tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 10.551 ca nhiễm và 800 người chết. Philippines báo cáo 8.772 ca nhiễm và 579 ca tử vong, là vùng dịch lớn thứ ba.

Cùng với Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào là những nước chưa ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19. Số ca nhiễm tại các quốc gia này cùng Brunei không thay đổi trong 24 giờ qua.

WHO và EIB sẽ hỗ trợ 10 quốc gia châu Phi, Trung Đông chống COVID-19

Ngày 1/5, Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) để tăng cường sức khỏe cộng đồng, cung cấp các thiết bị thiết yếu, đào tạo và đầu tư cho công tác vệ sinh phòng dịch trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia dễ bị tổn thương trước đại dịch Covid-19. Trước mắt, WHO cùng với EIB sẽ khẩn trương đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như đội ngũ nhân viên y tế ở 10 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông.

Theo một tuyên bố của WHO ra ngày 1/5, mối quan hệ đối tác mới sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lên tới 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD) của EIB dành để giải quyết tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế do Covid-19 ở châu Phi.

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE