24 giờ chinh phục huyền thoại Bromo

Bình minh trên ngọn núi nào cũng đẹp và xúc động, ở Bromo lại là cảm giác khác

24 giờ chinh phục huyền thoại Bromo

Núi lửa Bromo có lẽ là niềm tự hào của đất nước vạn đảo Indonesia. Và chính vì điều đó mà chúng tôi đã không ngần ngại quyết định chinh phục ngọn núi lửa tuyệt đẹp này. Nhanh chóng book vé, search thông tin, nguệch ngoạc vài trang giấy cho kế hoạch 15 ngày đi bụi xuyên Đông Java sang đảo Bali, và không quên tô một dấu sao to đùng vào dòng chữ “MT BROMO” để dành thật nhiều thời gian cho điểm đến nổi bật nhất này.

Ở làng Lawang

Trải qua hai chuyến bay dài với thời gian quá cảnh dài, chúng tôi đáp đến sân bay Surabaya và bắt đầu hành trình khám phá Indonesia. Sau khi đi các điểm như đền Bodobudour, đền Prammaban, thác Tumpak Sewu… thì chúng tôi bắt một chuyến xe bus tới thị trấn Probolinggo, ngủ lại một đêm và sáng sớm mai lên đường tới làng Cemoro Lawang.

Chúng tôi chọn cách đi bằng minibus - những chiếc xe bus xanh đỏ nhỏ và cũ kĩ. Quy tắc thu tiền vé của mini bus rất buồn cười: đợi đủ 15 khách sẽ chạy với giá 35.000 rp/vé. Nếu chờ đợi quá lâu mà vẫn chưa đủ khách thì lái xe sẽ thuyết phục bạn đi với giá vé chia đầu người để đủ 500.000 rp/chuyến xe. Sáng hôm đó, chúng tôi ngồi đợi khá lâu, ăn xong bữa trưa mà đếm mới thấy đủ 4 người chờ xe bus. Vậy là ông lái xe thương lượng với chúng tôi đi luôn với giá vé 500.000 rp/4 người, nghĩa là 125.000 rp/vé.

Cemoro Lawang là một làng nhỏ nằm sát chân núi Bromo. Đây là địa điểm gần nhất để thực hiện hành trình khám phá Bromo. Khi lên đến Lawang thì không khí trở nên lạnh hơn mặc dù trời rất nắng. Giữa mùa hè tháng 6 mà đêm đến chúng tôi đã phải mặc rất nhiều áo, quàng khăn, mang tất vì nền nhiệt độ quá lạnh.

Buổi chiều ở làng Lawang, chúng tôi rảo bộ quanh thị trấn rồi lên điểm ngắm toàn thung lũng, chọn một chỗ ngồi, uống cốc nước táo, chờ đợi vài giây phút hoàng hôn hiếm hoi nơi núi lửa. Nắng xuống rất nhanh, chỉ kịp chiếu thung lũng phía dưới một lúc rồi nhanh chóng đổ mình sau dãy núi kia. Mới khoảng 4h chiều mà một nửa thung lũng đã không còn được nắng ngó ngàng đến nữa rồi. Lòng núi lửa Bromo không ngừng phập phồng thở lên trời những tảng khói to đùng. Hễ khi nào nắng chiều chiếu xiên vào đám khói thì nó lại rực hồng một màu đầy ám ảnh.

Hết nắng cũng là lúc tôi cảm thấy lạnh hơn. Một đợt mây trắng luồn ngang, thổi tràn vào ngôi làng Lawang bé nhỏ. Mây len sau những ngôi nhà xanh đỏ. Hy vọng sáng mai sẽ được nhìn ngắm những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của núi lửa Bromo.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi đi phơi milkyway, ngồi giữa cái lạnh của đêm với một bầu trời tràn ngập những ngôi sao li ti lấp lánh. Những điều tuyệt vời luôn ở đó. Giữa cái hoang sơ và mênh mông bất tận của thiên nhiên, con người trở nên bé nhỏ và thấy vơi hẳn đi những nỗi niềm tuyệt vọng, hay những ích kỉ nhỏ nhen ngày thường.

Tại Java,

Có đến 38 ngọn núi lửa, dàn hàng ngang từ tây sang đông. Trong quần thể núi lửa này, Bromo là núi lửa có độ tuổi trẻ nhất và là địa điểm an toàn nhất trong khu vực. Chỉ cao 2.329 m, Bromo không phải là ngọn núi cao nhất nhưng lại là một trong số những ngọn núi nổi tiếng nhất, thu hút lượng lớn khách du lịch khi đến thăm Indonesia. Ngọn núi này thuộc Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru. Tên Bromo bắt nguồn từ phát âm tiếng Java của Brahma, đấng sáng tạo thần Hindu. Lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào đầu năm 2011 khiến nhiều sân bay trong vùng phải đóng cửa.

Bình minh khác lạ

Giấc ngủ thoáng mệt và đầy sự háo hức, hồi hộp. Cảm giác mới chợp mắt thì đồng hồ báo thức đã kêu vang. 3h sáng, ông lái xe vào tận phòng gõ cửa, giục chúng tôi lên xe. Chiếc xe jeep đưa chúng tôi đi một chặng đường đầy phấn khích. Đêm tối nhưng nhìn rõ những dòng xe jeep với ánh đèn lập lòe đang nối đuôi nhau chạy vòng quanh sa mạc cát. Thật sự là sa mạc cát với từng đoạn đường bụi cát tung trắng xóa, mờ mịt như dày đặc màn sương. Con đường đèo phút chốc trở nên chật hẹp và bé nhỏ với dòng xe, dòng người đông đúc chen lấn nhau. Tới điểm King Kong View cũng là lúc chúng tôi xuống xe và leo bộ thêm khoảng một đoạn đường nữa để chờ đợi màn săn bình minh tại Bromo huyền thoại.

Rất nhiều người ở đó, ngồi lặng lẽ đợi chờ. Chốc chốc, họ lại sốt ruột đứng lên ngó nghiêng xung quanh, chụp vài tấm hình trong cái tờ mờ sáng. Có người phì phèo điếu thuốc, người bật nhạc, người co ro quấn mình trong tấm khăn mỏng. Bình minh là điều gì mà bao người theo đuổi? Khoảnh khắc là điều gì mà bao người vất vả ngược xuôi chờ đợi? Chúng tôi đâu biết câu trả lời! Đơn giản, chỉ vì đó là một điều đẹp đẽ mà thật hiếm hoi được chiêm ngưỡng và cảm nhận nó. Giữa khung cảnh núi lửa đang thở khói, sương sớm ôm lấy triền đồi nơi ngôi làng Lawang đã thức giấc bởi những dòng người nối nhau đi săn bình minh. Người ta ngồi hồi hộp chờ đợi và mong ngóng được đón tia nắng đẹp nhất, tinh khôi rạng rỡ nhất của một ngày mới.

Bình minh trên ngọn núi nào cũng đẹp và xúc động. Ở Bromo lại là một cảm giác khác lạ. Miệng núi lửa phập phồng khói hồng khi mặt trời chiếu vào. Còn tôi thì miệng lạo xạo bụi cát dù đã đeo khẩu trang bịt kín mặt. Khoảnh khắc đó đẹp như một điều thiêng liêng đầy xúc động. Tất cả cùng nhau bừng sáng. Ngọn núi bừng sáng. Mặt đất bừng sáng. Sương bừng lên, tan loãng trong hư vô. Làn tóc vàng của cô gái lạ bừng sáng một thứ sắc màu mê mẩn. Ánh mắt người bạn đồng hành cũng nhìn tôi mà bừng lên những cảm xúc mới tươi. Được sống trong những buổi bình minh tuyệt diệu như vậy, thực sự là đáng sống, thực sự là hạnh phúc!

Huyền thoại “ngái ngủ”

Ngay sau khi bình minh đánh thức ngọn núi lửa Bromo thì chúng tôi cũng nhanh chóng tiếp tục leo lên xe jeep để tiếp cận gần hơn với đỉnh núi. Đoạn đường này thật tuyệt, nắng đã lên và làm con đường đèo đi xuống miền sa mạc cát trở nên ảo diệu. Nắng chiếu xiên qua từng tán cây, hắt vào tấm gương chiếu hậu, nhìn qua cửa kính ô tô, thấy rõ bầu trời và cụm núi lửa thật hùng vĩ.

Và một thung lũng mênh mông bụi cát núi lửa xuất hiện trước mặt chúng tôi. Cảm giác như những dải sương đang tà tà ở ngay sát mặt. Nhưng nào đâu phải sương mây gì, đó là cát, là bụi li ti. Chắc chắn trong đời chưa bao giờ gặp nhiều bụi đến thế! Rồi những đoàn ngựa nối nhau chạy phăng phăng, đi tới đâu bụi tung tới đó. Nắng chiếu xiên vào lại càng thêm xúc cảm.

Để leo lên đến miệng núi lửa mà chứng kiến tận mắt những cuộn khói mùi lưu huỳnh ấy, chúng tôi phải băng qua biển cát đen khi nắng đã sắp lên cao. Thung lũng nằm lọt thỏm giữa các dãy núi. Đoạn đường đi bộ trên cát thật là một trải nghiệm đáng giá. Chân đi tất, đi giày nhưng vẫn đen sì cả bàn chân, cát lẫn cả vào từng kẽ chân. Mất chừng 45 phút để lên được tới miệng núi lửa, một đoạn đường không quá dài nhưng mệt thật mệt dưới cái nắng và cái bụi. Hồi sớm thì co ro, giờ đây thì nóng vật vã. Leo thêm một đoạn bậc thang dốc nữa là chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu của mình. Thở phù một cái đã đời rồi lặng lẽ ngắm nhìn thật no nê những điều tuyệt vời tại đây thôi!

Phía trước mặt là lòng chảo sâu hoắm và tròn rộng của núi lửa Bromo. Hẳn là anh chàng này vẫn còn đang ngái ngủ, chỉ miễn cưỡng thở vài hơi lẹt khẹt, mãi sau mới bốc lên đụn khói to đùng như dọa dẫm và khẳng định mình. Mùi lưu huỳnh hăng hắc sực nức thật khó chịu! Nhưng mọi thứ - từ cái lòng sâu và dốc của núi lửa đến cái mùi khó lột tả này, rồi cả tứ phía bốn bề một màu tro cát xám xịt… - tất cả in đậm vào tâm trí như một kí ức khó có thể quên.

Phía sau lưng là thung lũng mênh mông cát bụi xám và bốc tung lên như một làn sương mỏng. Triền núi thoai thoải, rạn vỡ và cằn trụi. Từng dốc núi tạo thành sóng, ánh sáng chiếu vào càng rõ khối đầy cá tính và bí hiểm.

Và điểm đẹp nhất của Bromo với tôi có lẽ sườn núi nằm chênh vênh mép vực. Từng bước chân, từng bóng người bước qua đều ngập đầy cảm xúc. Bạn đến đây, hãy mạnh dạn bước chân mà đi thử một vòng quanh miệng núi lửa hùng vĩ này, thỉnh thoảng sẽ nghe tiếng Bromo phì phèo hoặc phát ra tiếng nổ lớn.

Vậy là có thêm một ngọn núi nữa trong hành trình làm bạn với núi của chúng tôi.

Thông tin thêm

Hành trình: Hiện tại đã có chuyến bay thẳng từ TP.HCM đến Indonesia, hoặc bạn có thể lựa chọn bay từ Hà Nội và quá cảnh tại Singapore hoặc Malaysia.

Trang phục: Bali có khí hậu nhiệt đới, quanh năm nóng giống như TP.HCM nên bạn chỉ cần mang theo quần áo mùa hè tiện dụng, thoải mái. Đừng quên mang thêm váy dài, quần dài vì tất cả các đền, chùa ở Bali đều nghiêm cấm mặc đồ ngắn, hở hang. Bạn có thể mua sarong - một loại váy cuốn truyền thống của Indonesia khi đến tham quan các đền, chùa. Nhưng nếu muốn khám phá Mt Bromo về đêm hoặc sáng sớm, nên chuẩn bị đủ đồ quần áo ấm, khăn mũ tất và đặc biệt là khẩu trang dày.

Tiền tệ: Tỉ giá 1 rupiah (IDR/rp) xấp xỉ 1,7 đồng. Nên đổi tiền ở ngân hàng để tránh những rủi ro thường gặp tại các điểm đổi tiền tư nhân và nên đổi sẵn tiền vì ở vùng Bromo - Ljen rất hiếm chỗ cho đổi tiền, nếu có thì tỉ giá rất thấp.

Điểm đến khác: Nên kết hợp đi cả Bromo và hồ Ijen vì 2 địa điểm này khá gần nhau. Ngoài ra, trong hành trình này có cả thác Tumpak Sewu và thác Madakaripura rất đẹp. Có thể đi đủ 4 địa điểm theo thứ tự: Tumpak Sewu – Bromo – Madakaripura – Ljen

Chi phí dự kiến: Vé máy bay khoảng 5-8 triệu đồng/khứ hồi, tùy vào thời gian đặt vé. Khi thực hiện hành trình này, bạn có thể mua tour của người dân bản địa hoặc tự đi đều được nhưng nên nghiên cứu thông tin thật kĩ. Một tour do người địa phương cung cấp có giá dao động khoảng 900.000 - 1.200.000 rp sẽ đi đủ 4 địa điểm trên, bao gồm chỗ nghỉ, xe ô tô đưa đón.

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE