Chợ Tết của người sưu tầm “quá khứ"

Tiết trời lất phất mưa xuân, phiên chợ xuất hiện cũng đồng nghĩa Tết sắp về.

Chợ Tết của những người sưu tầm “quá khứ”

Vẫn còn cảm giác xưa cũ của những ngôi làng trong phố, tại ngã tư Hàng Lược – Hàng Cân – Hàng Mã – Hàng Đồng (Hà Nội), người ta đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho một phiên chợ đặc biệt nhất trong năm. Từ vài món đồ cổ hay giả cổ chế tác tinh xảo, vài bức tượng gỗ nhuốm màu thời gian hay những chum đất, đồ đồng đã hoen rỉ, đến bức bình phong câu đối đã úa vàng, máy ảnh, máy đánh chữ cổ…, tất cả được bày biện xuề xòa trên mặt đất. Trong tiết trời lất phất mưa xuân, phiên chợ xuất hiện cũng đồng nghĩa Tết sắp về. Ngày 20 tháng Chạp.

Bén duyên đồ cổ

“Mày giống hệt ông ngoại”, mẹ luôn miệng nhắc câu đó khi tôi tha lôi ở đâu đấy về một, hai đồ vật. Ông tôi trước đây cũng là nhà sưu tầm đồ cổ ở Hà Nội. Tuy không nổi tiếng như cụ Vĩnh ở Lý Thái Tổ hay cụ Được ở Nguyễn Trường Tộ, nhưng ông cũng giữ được cho riêng mình nhiều món đồ quý giá. Ngày ông mất, rất đông bạn bè và giới nghệ sĩ Hà Nội đến viếng, nhiều người cũng hỏi mua lại vài món đồ nhưng gia đình không bán và chỉ đáp ứng các yêu cầu hợp lý của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phần còn lại tiếp tục được gia đình bảo quản cẩn thận.

Tiếp nối truyền thống ấy, từ nhỏ tôi đã bộc lộ niềm đam mê cháy bỏng với những thứ đồ mà mẹ tôi cho là “vứt đi”, từ đồng bạc đầm xòe Đông Dương đến chiếc mũ tai bèo bác tôi sử dụng trong những tháng ngày chống Mỹ. Ban đầu chỉ là những vật cũ loanh quanh trong nhà, dần già theo thời gian, tôi đã có cả một “gia tài” về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi rảnh rỗi, tôi luôn dành thời gian ngồi ngắm nghía, lau chùi rồi tự tưởng tượng ra những câu chuyện mà chúng đã trải qua. Chúng được sinh ra từ đâu, trải qua tay những người nào, điều gì khiến chúng trở nên đặc biệt.

Tôi còn nhớ ngày bác tôi đi công tác Liên Xô về có tặng tôi một chiếc đồng hồ cát. Lần đầu tiên trong cuộc đời, thằng bé 10 tuổi được nhìn thấy thứ lạ lùng đến thế. Cát được chảy từ lọ này xuống lọ kia theo phương thẳng đứng. Thế này mà người ta cho nó là đồng hồ thì siêu thật, bởi trong đầu tôi khi đó chỉ có thứ âm thanh phát ra từ đồng hồ quả lắc treo trên tường mới là đồng hồ (đây cũng là món đồ vô cùng cổ của ông). Tôi mân mê chiếc đồng hồ đó cả ngày, đi học mang theo, ăn cơm để bên cạnh, ngồi ngắm không biết chán. Mỗi lần cát chảy hết là tôi dốc ngược lại cho cát chảy từ đầu, nhìn thật vui mắt. Tôi hỏi mẹ: “Sao người ta giỏi thế hả mẹ, nghĩ ra nhiều thứ hay hay”. Mẹ tôi chỉ cười và quay sang nói với bố: “Nó giống ông ngoại anh ạ!”

Thấm thoát cũng 20 năm trôi qua, bác tôi đã thành thiên cổ, cảnh xưa người cũ thay đổi, chiếc đồng hồ cát năm nào thật may tôi vẫn còn giữ và đặt nó trang trọng trong “gia tài” của mình. Đôi lúc nhìn những hạt cát bé nhỏ rơi xuống, tuôn chảy như dòng suối tôi tự ngẫm nghĩ về cuộc đời. Gọi chúng là đồ cổ vì chúng là chứng nhân lịch sử, mang trên mình những câu chuyện, những ký ức không thể nào quên về người thân, về xã hội, về cuộc đời. Nhìn chúng, dường như tôi được sống lại khoảnh khắc ấy, thời điểm ấy, không gian ấy. Bác tôi vẫn ở đây, vẫn hơi ấm trên đôi bàn tay khi đưa cho tôi chiếc đồng hồ cát. Ông tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế võng đung đưa, lim dim đôi mắt nghe nhạc phát ra từ chiếc máy phát của Đông Đức và quả lắc đồng hồ treo tường vẫn tích tắc tích tắc đưa thời gian.

Họp mặt “bạn nghề”

Tôi gọi những người có sở thích sưu tầm và chơi đồ cổ với mình là “bạn nghề”, cho dù ngoài đời chúng tôi làm đủ mọi nghề khác nhau. Bạn nghề của tôi vô cùng đa dạng, từ những bác cao niên tuổi đã xế chiều, nhà văn, nhà thơ, kiến trúc sư, doanh nhân cho đến những cậu bé loắt choắt có trong mình vài cuốn truyện tranh Doraemon xuất bản năm 1992.

Thi thoảng cuối tuần chúng tôi hẹn nhau tại quán café Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân. Quán café nổi tiếng với những bức tranh của họa sĩ “Hà Nội” Bùi Xuân Phái này mang nhiều xúc cảm với dân mê đồ cổ như tôi. Nhiều người nói, những người có sở thích kiểu này thường hay “gàn” và nghệ sĩ lắm, tính khí thất thường. Tôi thích ý tưởng đó, vì phải nghệ sĩ lắm, lãng mạn lắm họ mới nhận ra được những giá trị ẩn đằng sau vẻ xấu xí của chiếc áo khoác bông dày sụ mà các cụ nhà mình gọi là áo đại cán hay hình khắc trên những đồng xu cổ. Những buổi gặp mặt nhau như thế, chúng tôi thường trao đổi về những món đồ mới được sưu tầm gần đây, chia sẻ cách bảo quản cũng như kể cho nhau những câu chuyện về chúng. Mỗi người đều có những thú sưu tầm riêng. Người mang theo đồ Liên Xô, người cầm kỷ vật chiến tranh, người sách cũ, kẻ tiền xu… Có khi nào bạn thấy rằng thứ đồ xưa cũ ấy lại toát lên vẻ duyên dáng, lịch lãm hay cao sang của chủ nhân chúng chưa?

Nhà văn Mai Lâm, một người anh mà tôi vô cùng kính trọng, từng nói rằng: “Cũng như quần áo, giày dép, đồng hồ xét về một phương diện nào đó cũng chỉ là một thứ thời trang có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác. Vì vậy, ngoại trừ những nhà sưu tầm đích thực có tham vọng sở hữu mọi đủ chủng loại. Người sưu tầm nghiệp dư chơi theo sở thích nên tự tìm lấy cho mình một chiếc đồng hồ phù hợp cho cả đại dương mênh mông. Tùy theo bạn là doanh nhân, một nghệ sĩ hay là một công chức”.

Anh Lâm bắt đầu sưu tầm đồ cổ từ những năm 90, bắt đầu từ đồng hồ, cho đến máy nghe nhạc lên dây cót như Grammophon hay Edison Phonograph, rồi mặt nạ, tranh tượng… Anh luôn nâng niu chăm sóc chúng như thể chúng là một phần thân thể anh vậy. Mỗi khi nhìn cách anh ngắm nghía, ghé tai nghe tiếng tích tắc của kim đồng hồ rồi gật gù tỏ vẻ mãn nguyện, anh em chúng tôi cũng ấm lòng theo. Hay mấy cậu nhóc choai choai mới được tôi giới thiệu tham gia, lần đầu gặp các đàn anh đàn chú còn bỡ ngỡ, rụt rè lắm, sau dần cũng tỏ vẻ già dặn. Nào là cách cầm kẹp để nhìn tem cổ ra sao, màu sắc của hai chiếc tem cổ thoáng qua không thấy lạ mà phải nhìn qua ánh mặt trời mới thấy sự khác biệt. Dân đồ cổ là vậy đó, không cần nói nhiều nhưng luôn hiểu nhau. Chỉ cần qua ánh mắt, cử chỉ có thể thấy sự đam mê của bạn nghề lớn đến mức nào.

Chợ phiên đồ cổ

Khi những cánh én bắt đầu bay liệng trên bầu trời, đào chúm chím sắc hồng, cây cối xanh tươi, cũng là lúc những người buôn bán, sưu tầm và chơi đồ cổ từ khắp cả nước, mà chủ yếu là những tỉnh xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc…, tề tựu về phiên chợ đồ cổ độc nhất vô nhị Hà thành.  Dù chỉ kéo dài 10 ngày song song cùng chợ hoa Hàng Lược nhưng từ lâu nay, nó đã là một phần hơi thở mùa xuân của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tôi quên sao được cái cảm giác được ông ngoại dắt tay lần đầu tiên đi chơi chợ Tết. Ngày đó còn sơ sài và chưa thực sự nhộn nhịp như bây giờ. Vẫn thược dược, violet, vẫn lá dong cành quất, nhưng hai ông cháu chỉ ghé qua gian hàng bày bán đồ cổ mà thôi. Ngắm nghía, chỉ trỏ, hỏi han, tâm sự. Đôi khi chẳng mua gì nhưng ngồi nói chuyện với những người “bạn nghề” cũng khiến tâm hồn “xuân” trở lại. Ông đặc biệt thích tượng Phật, các loại đồ thờ, đỉnh đồng, lư hương hay linh vật như long, quy… Có cái từ thời nhà Trần, có cái của Trung Quốc hay Ấn Độ, hay đơn giản chỉ là có mẫu mã độc đáo là đều có thể tạo thành thứ đồ cổ để chủ quán ra giá cao với người mua. Ông chỉ cho tôi một bức tượng Quán Thế Âm, nói rằng cái này từ thời nhà Đường và giải thích cho tôi những đặc điểm, hình dáng cũng như dấu hiệu nhận biết về một món đồ xem niên đại từ bao giờ, đồ thật hay đồ giả. Phải là người có kiến thức uyên thâm lắm, có sự say mê cuồng nhiệt lắm mới có thể nhớ lâu và sâu sắc đến như vậy.

Thời tiết năm nay ủng hộ, gió mùa se se lạnh, điểm chút mưa xuân khiến thời khắc giao thời trở nên thiêng liêng hơn nữa. Tân cổ giao duyên. Chợ phiên đồ cũ họp từ sáng đến chiều, có người đến chỉ ngắm chứ không mua, có người chỉ đến mua một vài thứ nho nhỏ để nhớ lại một thời xa xưa, nhưng ai cũng thấy háo hức và lạ lẫm với những món đồ tại chợ. Từ những cái đèn dầu cổ, thanh kiếm cũ hay những chiếc quạt chạy than.. trông vô cùng “xấu xí” luôn trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.

Giá của những món đồ cổ vô cùng đa dạng, rẻ có, đắt có mà vô cùng đắt cũng có luôn, từ vài trăm ngàn lên tới trăm triệu đồng, tùy vào giá trị thực tế của món đồ ấy. Nghe chừng có vẻ “cắt cổ” nhưng phần lớn người đến xem hàng là những bạn nghề, thuận mua vừa bán, hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều người hiếu kỳ đảo qua, có khi cũng lượm được thứ gì đó hay hay về khoe với bạn bè sau một ngày dạo phố. Việc mua bán, trao đổi những món đồ cổ vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới cũng mang ý nghĩa về tinh thần và cầu mong sự may mắn.

Ngày bé, tôi cứ nghĩ rằng người chơi đồ cổ phải là đại gia vì những đồ vật ấy thật sự có giá trị, nhưng sau này mới biết, ngoài yếu tố tiền bạc thì trước hết người chơi phải có lòng say mê và kiến thức. Sưu tầm hay chơi đồ cổ không chỉ mang lại những giá trị vật chất mà quan trọng hơn cả là giá tị tinh thần. Lúc buồn chán hay mệt mỏi bởi cái bon chen của cuộc sống thị trường, thứ đã vực tôi dậy chính là những món đồ tưởng chừng như “vứt đi” ấy. Nó nhắc nhở tôi rằng mỗi ngày trôi đi, bản thân tôi cũng đã trở thành “cổ”, ngày hôm qua đã trở thành cũ và những điều tôi làm sẽ đều thành ký ức. Do vậy, hãy sống làm sao để cho mình trở thành một món “đồ cổ” mà ai cũng phải kính trọng, yêu mến như ông ngoại tôi đã từng.

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE