Thăm Cung điện mùa hè ở Hua Hin

Đối với khách du lịch ngoại quốc, Hua Hin không quá nổi tiếng như Bangkok, Phuket, Chiang Mai hay Pattaya mặc dù đây là khu nghỉ dưỡng cổ nhất của Thái Lan, là điểm đến nghỉ ngơi ưa thích của người Thái. Nhưng gần đây, đã có nhiều người lui tới Hua Hin hơn, đặc biệt vào những ngày hè, bởi ở đó có một di sản kiến trúc đặc sắc là Cung điện Mùa Hè, nơi cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà vua Thái và Hoàng hậu chọn làm nơi nghỉ tuần trăng mật.

Thăm Cung điện mùa hè ở Hua Hin

Đối với khách du lịch ngoại quốc, Hua Hin không quá nổi tiếng như Bangkok, Phuket, Chiang Mai hay Pattaya mặc dù đây là khu nghỉ dưỡng cổ nhất của Thái Lan, là điểm đến nghỉ ngơi ưa thích của người Thái. Nhưng gần đây, đã có nhiều người lui tới Hua Hin hơn, đặc biệt vào những ngày hè, bởi ở đó có một di sản kiến trúc đặc sắc là Cung điện Mùa Hè, nơi cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà vua Thái và Hoàng hậu chọn làm nơi nghỉ tuần trăng mật.

Bài và ảnh: Nga Vũ

Hua Hin xuất thân là một làng chài cách Bangkok khoảng 200km về phía Nam, thuộc tỉnh Prachuap Khiri Khan, được vua Thái Lan Prajadhipok (vua Rama VII) phát hiện và chọn làm khu nghỉ dưỡng mùa hè của hoàng gia vào những năm 20 của thế kỷ trước.

Chốn “xa lánh những muộn phiền”
Cung điện mùa hè Klai Kangwon nằm khá biệt lập ở phía Bắc ngoại ô Hua Hin. Tuy được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 nhưng cung điện hầu như không thay đổi nhiều và hiện tại Hoàng gia Thái vẫn đến đó nghỉ dưỡng. Ngoài khu nhà chính xây theo lối biệt thự, phần lớn cung điện có kiến trúc thấp tầng kiểu Tây Ban Nha thấp thoáng vài nét kiến trúc Sala kiểu Thái với tầng dưới là những hàng cột song song tạo thành những dãy hành lang lộng gió, trong khi tầng trên đôi chỗ được quây kín thành phòng nghỉ. Công trình này được xây dựng đan cài giữa nhiều mảng vườn rợp cây xanh, nhiều hồ nước, vòi phun và nhiều đoạn có mái che kéo thẳng chạy ra tận bờ biển như kiểu kết cấu cầu cảng.
 
 
Trái với cung điện và cung cách Hoàng gia lộng lẫy, cầu kì, rực rỡ sắc màu tại Bangkok, Cung điện mùa hè có không gian mở, chảy quện vào nhau rồi len lỏi giữa những mảng vườn xanh ngát. Màu sắc ở đây cũng không chói gắt, đối lập hay phô trương mà chủ yếu được giữ ở mức độ trung tính, hài hòa tạo cảm giác nhẹ nhõm và thư thái. 
Đi lang thang trong khuôn viên của cung điện, đôi lúc bạn ngỡ mình đang ở châu Âu với những đoạn hàng rào cây xanh được sắp đặt theo kiểu mê cung. Tại trung tâm của mê lộ có bồn phun nước cùng vài chiếc ghế băng bằng gỗ sơn trắng cho du khách nghỉ chân. Gần cổng ra vào có một bảo tàng Hoàng gia nho nhỏ để trưng bày hình ảnh, kỷ vật của Hoàng gia và cũng là chỗ để du khách mua quà lưu niệm.    
 
Trái với cung điện và cung cách Hoàng gia lộng lẫy, cầu kì, rực rỡ sắc màu tại Bangkok, Cung điện mùa hè có không gian mở, chảy quện vào nhau rồi len lỏi giữa những mảng vườn xanh ngát khiến đôi lúc bạn ngỡ mình đang ở Châu Âu.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi nhà vua Bhumipol Adulyadej (Rama IX, vua Thái Lan hiện nay) và Hoàng hậu Sirikit chọn Cung điện mùa hè nghỉ tuần trăng mật, biển vẫn xanh, mây vẫn trôi nhẹ, lá trong vườn vẫn khẽ khàng đậu xuống bãi cỏ và mặt sân lốm đốm nắng như bây giờ. Khi xây cung điện này, chắc hẳn khi xưa vua Rama VII đã có chủ ý lưu giữ thanh xuân và những nỗi yên bình ở lại nên ngài đã đặt tên cho cung điện là Klai Kangwon nghĩa là “xa lánh những muộn phiền”…
 
Sân ga Hua Hin, hành trình trở lại ngày hôm qua
Nhưng Hua Hin không chỉ có Cung điện Mùa Hè mà còn nhiều điều hấp dẫn khác mang đến cho du khách những cung bậc cảm xúc. Đặc biệt nhất, theo tôi, là sân ga cũ, nơi gợi lại cảm giác hoài nhớ về những hình ảnh đã trôi qua chưa quá xa. Sân ga Hua Hin được xây dựng dưới thời trị vì của vua Rama VII, trùng với quãng thời gian Hua Hin được chọn làm nơi nghỉ dưỡng mùa hè của nhà vua. Ga xe lửa Hua Hin được xây dựng theo kiểu kiến trúc gỗ truyền thống Sala của Thái và chủ yếu để phục vụ cho việc di chuyển thuận tiện của Hoàng gia từ Bangkok tới Hua Hin. Điểm nhấn đặc biệt nhất của sân ga Hua Hin là nhà chờ chỉ dành riêng cho Hoàng gia được vận chuyển nguyên khối từ cung điện Sanamchan thuộc tỉnh Nakom Pathom tới đây. Sân ga Hua Hin là một trong những sân ga cổ và đẹp nhất của Thái Lan và giờ đã thành biểu tượng không thể tách rời của thành phố này. 
 
 
Đến đây vào buổi chiều nhập nhoạng, khi thành phố bắt đầu lên đèn, bạn sẽ thấy như ngày hôm qua cũ xưa nào đó đang quay trở lại. Sân ga dịu mát vào buổi chiều xâm xẩm tối với dăm ba nhóm người lố nhố ngồi trên những băng ghế gỗ chờ đợi tàu vào ga. Họ lơ đãng phóng tầm mắt nhìn qua những chiếc cột đổ bóng dài trên nền gạch ngóng tàu tới hoặc ngắm chiếc đầu kéo chạy bằng hơi nước giờ đã nghỉ ngơi đậu im lìm trên đường ray. Sau những hồi chuông rung leng keng, chuyến tàu chộn rộn cuối ngày rồi cũng tới, vội vã đến và hối hả đi qua, trả lại sân ga yên ắng với ánh đèn vàng cũ kĩ hắt lên nếp gỗ sơn son cùng những nhịp thời gian lỏng lơi rơi rớt lại.
 
Ẩm thực và mua sắm ở chợ đêm Hua Hin
Sau khi rời ga xe lửa Hua Hin, nếu trong lòng bạn vẫn còn vương đôi chút mênh mang, bạn nên đi ra khỏi cửa ga, rẽ trái và đi dọc con phố chạy qua trước mặt sân ga. Từ đây sẽ mở ra khung cảnh chợ đêm Hua Hin náo nhiệt và thơm nức mùi đồ ăn Thái. Khu chợ này chắc hẳn sẽ khiến bạn thích thú với la liệt đồ ăn, đồ lưu niệm và rộn rã tiếng người nói cười. 
 
 
Ở đây có rất nhiều cửa hàng hải sản với giá mềm hơn những quán hải sản ở sát ven bờ biển. Ngoài ra khu chợ cũng là “bảo tàng” sưu tầm sống động những món quà vặt của Thái. Đồ lưu niệm không quá đặc sắc và không nhất thiết bạn phải mua nhưng bạn rất nên rút hầu bao để thử những món ăn là lạ, vui vui của Thái trong các quầy hàng san sát bên nhau quanh khu chợ.
Hoặc giả, lang thang mãi mà chưa chọn được quà cho người thân, bạn có thể tới Pleanwan để mua những đồ vật giả cổ độc đáo hoặc tới FN Outlet để lựa chọn những món đồ với giá cả hết sức hợp lý cho bạn và cả gia đình. Pleanwan là mô hình làng sinh thái kiểu cổ đầu tiên tại Thái Lan. Toàn bộ khu làng được xây dựng và cuối năm 2009 với mục đích tái hiện lại và lưu giữ những nét sinh hoạt của Hua Hin lúc nơi đây còn là một làng chài với những cảng cá nhỏ. 
 
 
Đến Pleanwan, bạn lại bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà neo mình lên trên hàng cột trụ và mọi sinh hoạt diễn ra ở trên cao như tập tục sinh sống quen thuộc của cư dân vùng sông nước. Trong không gian được tạo nên giữa những lớp vật liệu mang lại cảm giác cũ mòn của thời gian như gỗ và sắt để rỉ sét tự nhiên, những câu chuyện của Hua Hin ngày xưa được kể lại bằng những hàng quán bán đồ truyền thống bày lộ thiên giữa đường xen lẫn những cửa hiệu bán đồ giả cổ nằm ngay ngắn sau dãy ô cửa kính. Nhiều góc phố cùng những sinh hoạt những ngày xưa chưa xa lắm của Hua Hin được vẽ lại bằng tranh tường lớn, đem lại không khí cũ kĩ và ấm áp.
Có thể bạn thấy đôi chút phiền lòng khi ở đây bởi sự hiện diện khá đông khách du lịch Thái. Cỏ ở đây chỉ là cỏ nhân tạo và ở dưới cũng chẳng có nước để cho ngôi làng này thực sự mang hơi hướm của một làng chài nhưng bù lại bạn sẽ phát hiện được thật nhiều góc để chụp hình và đồ lưu niệm thì rất xinh. Tinh thần của Pleanwan được thể hiện rất rõ nơi tấm biển chỉ dẫn đặt ngay lối vào: “Pleanwan là chốn dành để vui chơi và biết thêm về quá khứ nhằm mang quá khứ quay trở lại với thế hệ hôm nay ”. 
Trên đường từ Pleanwan tới Cung điện mùa hè, bạn sẽ bắt gặp FN Outlet, nơi mà bạn nên dành nửa ngày để lựa chọn được nhiều món hàng may mặc có giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường của những thương hiệu quen thuộc như Nike, Adidas, Zara, FCUK, Esprit… Khu Outlet này có mặt bằng rất lớn với hồ nước và thật nhiều cây xanh ở giữa. Ngay tại khu mua sắm hiện đại, chỉ cần đi ra khuất phía ngách sau quán café nằm ở khu vực trung tâm, bạn sẽ phát hiện ra một bất ngờ thú vị là một bảo tàng nhỏ trưng bày xe và những vật dụng cổ khoảng đầu thập kỉ 20 của thế kỷ 20 do người Thái sưu tầm. Sau khi bước qua dãy hành lang yếm sáng, dường như bạn vừa nhón chân bước vào một bộ phim ngày bé bạn đã từng được xem. Những chiếc xe cổ xếp hàng bóng lên kiêu hãnh dưới ánh đèn, chiếc xe đạp bánh nhỏ bánh to, những chiếc va li cũ quai còn gắn tích kê hành lý ghi điểm đến của cuộc hành trình, những bộ giáp sắt kỵ sĩ hoen rỉ nhưng vẫn nguyên dáng oai nghiêm, những quả địa cầu kiểu cổ, những con búp bê, đồ chơi cũ… 
Nếu bạn tìm kiếm một điều gì lớn lao, một công trình khiến bạn choáng ngợp, có lẽ bạn sẽ không tìm thấy được ở Hua Hin. Và nếu bạn cùng gia đình không quá dư dả về thời gian và tài chính, Hua Hin sẽ là sự lựa chọn vừa vặn mà dễ chịu cho bạn hoặc cả gia đình để tạm xa lánh những phồn hoa đô hội để trở về với chút gì giản dị, gần gũi của những ngày xưa chưa quá xa.  
 
Thông tin thêm:
+ Tiền tệ sử dụng tại Thái Lan là đồng Baht Thái.
+ Có rất nhiều chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội tới Bangkok để bạn chủ động lựa chọn. Đến sân bay Suvarnabhumi Bangkok, bạn có thể bắt chuyến xe buýt 551 chạy thẳng tới bến Victory Monument với giá 35 Baht sau đó xuống và mua vé đi Hua Hin. Hoặc bạn cũng có thể đi taxi nhưng nhớ chọn taxi chấp nhận bật đồng hồ đo công tơ mét. Có nhiều điểm bán vé đi Hua Hin quanh điểm dừng xe buýt. Xe đi từ Bangkok tới Hua Hin mất trên dưới 3h với giá khoảng 180 Baht.
+ Cung điện mùa hè Klai Kangwon mở cửa từ 9h sáng đến 4h chiều với giá vào cửa 30 Baht. Địa chỉ: 1 Soi Phet Kasem Beach, Phet Kasem Rd., Hua Hin, Prachuap Khirikhan 77110 Thailand.
+ Bạn có thể đi xe tuk tuk hoặc buýt để di chuyển trong phạm vi Hua Hin. Tuy nhiên, khi đi tuk tuk bạn phải mặc cả rất nhiều, còn xe buýt thì không phải điểm nào bạn cũng tới được nên thuận tiện nhất là bạn thuê một chiếc xe máy với giá khoảng 150 tới 200 Baht/ngày (tùy loại xe máy bạn thuê). Bạn cũng có thể hỏi khách sạn nơi bạn ở địa điểm cho thuê xe máy hoặc bắt xe ôm nói họ chở tới chỗ thuê xe. 
 
LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE