Chào Thổ Nhĩ Kỳ

Trong lòng một Châu Âu năng động, có một Thổ Nhĩ Kỳ mang trên mình những sắc màu Châu Á lung linh. Tôi không thể nào quên được những phút giây khi đi giữa hai bờ lục địa, đi giữa làn nước phân chia hai châu lục mà ngày xưa cô giáo dạy môn địa lý phải dùng cây viết chì nhọn chỉ ra cái biên giới mong manh đó trên bản đồ.

Chào Thổ Nhĩ Kỳ

Trong lòng một Châu Âu năng động, có một Thổ Nhĩ Kỳ mang trên mình những sắc màu Châu Á lung linh. Tôi không thể nào quên được những phút giây khi đi giữa hai bờ lục địa, đi giữa làn nước phân chia hai châu lục mà ngày xưa cô giáo dạy môn địa lý phải dùng cây viết chì nhọn chỉ ra cái biên giới mong manh đó trên bản đồ.

Là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hoá giữa hai lục địa Âu-Á, Thổ Nhĩ Kỳ từng in dấu chân của nhiều thương gia trên con đường tơ lụa huyền thoại, của Alexandre Đại đế, của Hoàng đế Julius Caesar và cả trong những trang sách của Aziz Nesin.

Istanbul hôm ấy đón chúng tôi, những du khách Việt đầu tiên trong chương trình Chào Thổ Nhĩ Kỳ! trong cái nắng vàng ươm. Trong lòng ai cũng mang một tâm trạng hân hoan khi đặt chân lên vùng đất có nền văn hoá lâu đời và một lịch sử lắm thăng trầm. Thành Istanbul ngày xưa được xây trên bảy ngọn đồi, nay là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, với số dân hơn mười hai triệu người, nằm vắt mình qua hai bờ lục địa.

Bản sắc Hồi giáo thế tục

Nhắc đến vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên bản đồ thế giới hiện nay, phải nhắc đến một nhân vật rất được kính trọng và yêu mến tại quốc gia này - Ông Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938), người đã khai sinh ra nền dân chủ theo mô hình phương Tây vào năm 1923. Ông đã thực hiện nhiều cải cách, trong đó việc tách tôn giáo ra khỏi nhà nước và việc nâng cao quyền lợi cho nữ giới đã làm tên của ông được hậu thế nhắc mãi. Chính điều này làm cho Thổ Nhĩ Kỳ khác hẳn với những quốc gia Hồi giáo khác trên thế giới.

Tuy Hồi giáo là tôn giáo chính, với 97% dân số theo đạo Hồi, nhưng dường như quốc gia này tách hẳn với cộng đồng thế giới Hồi giáo bên ngoài. Người Thổ vẫn đọc kinh Koran năm lần trong ngày. Mecca vẫn là Thánh địa của họ. Chuông nhà thờ vẫn vang lên một ngày năm lượt. Nhưng, đàn ông Thổ không được phép đa thê, còn đàn bà Thổ thì được phép tháo khăn che mặt, một điều mà chưa có quốc gia Hồi giáo nào như Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm được.

Trong khắp đất nước này, từ các thành phố lớn đến miền quê xa xôi, đều bắt gặp những nhà thờ Hồi giáo với lối kiến trúc giống nhau, chỉ khác nhau về số lượng tháp được xây. Đa phần mỗi nhà thờ có hai tháp vươn rất cao lên trời và từ rất xa đã có thể nhìn thấy. Còn nhà thờ có bốn tháp là do người xây có vị thế cao hơn và tầm vóc của nhà thờ cũng cao hơn một bậc. Đó là lý do để người Thổ luôn tự hào với nhà thờ Sultanahmet của mình. Nhà thờ Hồi giáo này có đến sáu tháp, tương đương với số lượng tháp ở Thánh đường Hồi giáo Mecca.

Có một giáo phái tách ra từ Hồi giáo nguyên thuỷ tại Thổ Nhĩ Kỳ, dòng Sufi. Giáo phái này được nhiều người biết qua điệu múa tôn giáo chuyển động như vòng xoay vũ trụ đầy bí ẩn do những vị tu sĩ dòng này sáng tạo, được gọi là những Whirling Dervishes. Trong một không gian vừa thực vừa hư, với thứ ánh sáng đầy chất liêu trai, quyện cùng thứ âm nhạc vừa dịu êm vừa ma quái, và trang phục gần như toàn trắng, những Dervishes đã dẫn người xem vào một thế giới tôn giáo tâm linh huyền bí.

Ấn tượng thành cổ Ephesus

Người ta nói nhiều về Ephesus và dòng người đổ về thành phố bờ Tây nước Thổ đã chứng minh điều đó. Là một thành cổ do người Hy Lạp xây dựng, sau đó được cai quản bởi người La Mã, Ephesus có tầm quan trọng đứng hàng thứ hai sau thành Rome trong thời kỳ hưng thịnh của Đế chế La Mã. Ephesus ngày nay còn lại là những đống gạch đổ nát và những hàng cột rêu phong, chứng tích của một thời vàng son rực rỡ quá xa. Tuy vậy, chỉ với ba di tích còn sót lại là thư viện, nhà thổ và nhà vệ sinh, Ephesus cũng đã quá ấn tượng. Xung quanh khu vực Ephesus còn là nơi Thánh Paul the Apostle, một trong bốn vị Tông đồ của Đức chúa Jesus, đã đến đây từ những năm 50 sau Công nguyên và cũng là nơi Đức Mẹ Maria đã sống những ngày còn lại của đời mình trong một ngôi nhà trên núi cao, nơi có những hàng cây ô-liu xanh ngắt trải bóng dài hai bên lối đi và dòng người viếng nhà của Đức Mẹ thì dường như bất tận. 

Đây là lần đầu tiên trong đời, tại nhà của Đức Mẹ Maria, tôi thấy được cây và trái ô-liu. Ngày nay quanh vùng Địa Trung Hải như Tây Ban Nha và Italia, người ta trồng nhiều loại cây này, chủ yếu làm dầu ăn. Ít người biết được là cây ô-liu có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia này có sản lượng ô-liu đứng hàng thứ tư trên thế giới. Ngoài cây ô-liu, chúng tôi còn thấy hai bên đường người ta trồng nhiều thông, tùng, hải đào, nguyệt quế, hương thảo, oải hương. Thật thích khi được thưởng thức những chùm nho mọng nước và những quả sung ngọt ngào được bày bán ven đường hay ở những trạm dừng chân. Trong số đó, có một trạm dừng chân trên quốc lộ mà ở phía trước là tượng của Aziz Nesin, nhà văn được yêu mến nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người hướng dẫn bảo rằng người Thổ Nhĩ Kỳ ngưỡng mộ ông và tạc tượng ông ở rất nhiều nơi.

Kỳ quan đá Cappadocia

Thời gian vẫn trôi, nhưng những gì còn lại với thời gian thì mãi mãi. Điều này hoàn toàn đúng với Cappadocia- một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm về phía Tây Nam của thành phố lớn.

Tôi không có được cảm giác trên cả tuyệt vời khi ngắm nhìn Cappadocia từ trên kinh khí cầu như bạn tôi mô tả, nhưng tôi vẫn còn vẹn nguyên cái cảm giác ngơ ngẩn của mình vào một buổi sáng khi ánh mặt trời vừa ló dạng sau dãy núi xa xa cũng là lúc trên bầu trời Cappadocia xanh không một gợn mây hiện diện khoảng năm mươi kinh khí cầu với đủ sắc màu trên không. Một cảnh tượng thật ngoạn mục!

Cũng tại Cappadocia, chúng tôi đi thăm Kaymakli Underground City, một trong những thành phố ngầm có từ thời xa xưa. Thành phố này từng có tám tầng địa đạo, nhưng hiện chỉ mở cửa đến tầng thứ tư, có độ sâu khoảng 27m, có phòng khách, nhà bếp, nơi làm rượu, nơi giữ gia súc, có thể chứa vài ngàn người cùng một lúc... Người hướng dẫn địa phương cũng hết sức ngạc nhiên khi biết rằng ở một quốc gia bên bờ Thái Bình Dương, cách Thổ Nhĩ Kỳ gần 11 giờ bay, có một địa đạo Củ Chi dài hơn 200km kiên cường trong hai cuộc chiến vừa qua.

Tàu chúng tôi xuôi dòng Bospherous đáng yêu, mũi tàu hướng về Hắc Hải. Bên phải thân tàu là phần đất thuộc châu Á, còn bên trái là vùng đất thuộc châu Âu. Có hai cây cầu bắc ngang, nối liền hai châu lục, cùng những chuyến phà nhộn nhịp ngày đêm đưa khách qua sông. Nhiều người Thổ sáng lái xe sang bờ bên kia làm việc, chiều quay xe về bên này nghỉ ngơi, mỗi ngày hai lượt đi về, lúc thì Welcome to Asia, khi thì Welcome to Europe, nghĩ cũng hay hay. Trong lòng một Châu Âu năng động, có một Thổ Nhĩ Kỳ mang trên mình những sắc màu Châu Á lung linh. 

Thông tin thêm:

+ Thời tiết và khí hậu:

Được gọi là “vùng đất của bốn mùa”, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nhiều loại hình khí hậu khác nhau từ dạng khí hậu ôn đới tại vùng Hắc Hải, nơi chiếm 80% sản lượng hạt hạnh nhân đến dạng khí hậu lục địa tại vùng trung tâm, và dạng khí hậu Địa Trung Hải tại vùng ven biển Địa Trung Hải và vùng biển Aegean. Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch đến đất nước này được bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.

+ Tiền tệ:

Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng đồng Lira (TRY) [1USD tương đương 1,5 TRY]. Ở các thành phố và thị trấn lớn đều có các văn phòng thu đổi ngoại tệ hợp pháp. Ngân hàng cũng đổi tiền, nhưng thường rất đông đúc và tỷ giá không cao. Euro và Đô la Mỹ là đồng tiền dễ sử dụng nhất, nhưng Bảng Anh, Franc Thụy Sĩ, Yên Nhật, cũng không khó đổi cho lắm. Visa và MasterCard được chấp nhận rộng rãi, American Express thì ít hơn, ATM có ở khắp nơi trong thành phố và tập trung tại các khu vực trung tâm.

+ Ẩm thực:

Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quê hương của món kebab. Tại đất nước này, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở bất cứ nơi đâu. Người Thổ Nhĩ Kỳ thường dùng thịt cừu để chế biến món này, hoặc thay thế thịt cừu bằng thịt gà. Thịt được ướp rất nhiều loại gia vị chỉ có ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ăn kèm với kebab là cà chua, hành. Có hai dạng kebab: dạng nướng xoay tròn được gọi là Doner kebab, còn dạng nướng dùng que xiên được gọi là Sis kebab. Ngoài thịt cừu, người Thổ còn sử dụng nhiều cà tím trong chế biến thức ăn, từ món xà lách cà tím đến cà tím chiên sốt cà chua.

+ Lưu ý khi đi thăm nhà thờ Hồi giáo:

Khi vào thăm nhà thờ Hồi giáo bạn phải để giày, dép ở ngoài. Một số nhà thờ Hồi giáo cung cấp khăn, áo choàng cho khách khi vào trong nhà thờ.

+ Thông tin tour:

Hiện nay các công ty du lịch chuyên tổ chức tour đi nước ngoài đang mở tour Thổ Nhĩ Kỳ 9 ngày 8 đêm qua các thành phố chính: Istanbul- Cappadocia- Konia- Pamukkale- Kusadasi. Để có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

 * Vietravel

  190 Pasteur, Quận 3, TP. HCM

  Tel: 08. 3822 8898 - ext. 316

 * VP Turkish Airlines tại TP. HCM

  194 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3

  Tel: 08. 3933 0330.

Bài: Phạm Tấn Đức

Ảnh: Hoàng Mỹ, Chí Linh, Ngọc Châu

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE