Trượt dốc trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Đã quen với những chuyến đi không định trước nên khi nghe tôi đề xuất một điểm đến mà cả hội chẳng ai biết và chẳng ai có ý niệm gì, mọi người nhanh chóng nhận lời lên đường chinh phục. Nơi đó là Tây Côn Lĩnh nằm cheo leo trên vùng đông bắc.

Trượt dốc trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Đã quen với những chuyến đi không định trước nên khi nghe tôi đề xuất một điểm đến mà cả hội chẳng ai biết và chẳng ai có ý niệm gì, mọi người nhanh chóng nhận lời lên đường chinh phục. Nơi đó là Tây Côn Lĩnh nằm cheo leo trên vùng đông bắc.

Tôi đã từng nghe câu chuyện về những người bạn “phượt” trong giới chinh phục đỉnh cao Tây Côn Lĩnh. Những tấm ảnh về vực sâu, về khe dài hun hút, những con đường dốc ngược không một bóng người qua, hàng lau sậy lút kín đầu người cùng những chuyến đi lạc đường của người đi trước. Một vài người tôi quen cũng đã từng lạc đường. Anh bạn chơi cùng tôi thậm chí còn phải thuê người dân tộc vác xe mà đi bộ và ngủ lại trong rừng sâu lạnh giá. Cũng có những người bắt đầu hành trình suôn sẻ hơn rất nhiều với một ngày vượt núi hoàn toàn.

Mọi người vội lên kế hoạch. Đồ đạc đã chuẩn bị xong xuôi. Chúng tôi dự tính sẽ cố gắng vượt Tây Côn Lĩnh trong một ngày, còn nếu chẳng may không thể vượt qua và phải ngủ lại trong rừng, chúng tôi đã có đủ lều bạt, chăn, đồ ăn uống… mang theo. 4 xe 8 người, bắt đầu xuyên rừng từ cửa khẩu Thanh Thủy – Hà Giang vượt qua núi sang phía bên kia Hoàng Su Phì. Tây Côn Lĩnh là một vùng đất ở Hà Giang, giáp biên giới Trung Quốc nơi trên bản đồ đường bộ ghi độ cao 2.427 m.

6h sáng, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường chinh phục đỉnh Tây Côn. Rút kinh nghiệm của những đoàn đi trước, những chiếc xe wave dễ sử dụng, dễ sửa chữa và nhẹ được mang theo. Từ ngã ba rẽ về xã Xín Chải không mấy khó khăn, những con đường bê tông bắt đầu nhường chỗ cho con đường đất, đá hộc nằm sát sạt bên mép vực. Theo một con suối đi ngược lên, cánh con trai tự mình chạy xe trong khi đám con gái nhảy xuống đi bộ. Vừa đi vừa tránh để không bị ướt giày. Tiết trời lạnh giá thế này mà ướt giày ướt tất thì dễ cảm lạnh. May mắn là trời không mưa, tạnh ráo với chút nắng vàng ấm áp thi thoảng bất chợt xuyên qua đám mây xám làm bầu trời sáng bừng trong chốc lát.

Bắt đầu là những con đường mòn nhỏ, chạy zíc zắc xuyên sâu trong rừng cổ thụ. Những tán cây rậm rạp lòa xòa khiến con đường phía trước đã âm u càng thêm vắng vẻ, hiu quạnh. Không có lấy một tín hiệu đường đúng khi những ngã ba vô chừng trên đường dẫn đến những ngả rẽ khác nhau. Cánh con gái lại được tỏa đi trước, thấy một vệt bánh xe, một cái vỏ lon rỗng hay bãi phân trâu giữa đường cũng có nghĩa là đã tìm thấy đường đi tiếp đằng trước. Bây giờ lại thấy quý biết bao những dấu vết mà các đoàn xe đi trước vô tình để lại trên đường. Sau một hồi mò mẫm trong rừng, chúng tôi gặp đoạn sạt lở đầu tiên. Xe không thể chạy qua vì đoạn sạt đã liếm mất con đường đất nhỏ. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm sâu. Cánh con gái qua hết, bê theo những đồ đạc lỉnh kỉnh. Cánh con trai lần lượt dắt từng chiếc xe qua. Mồ hôi rịn trên những đôi má. Con đường hẹp bị cây đổ chặn ngang. Lần này thì không thể bê xe qua. Chúng tôi mỗi người một chân một tay, bẻ cành, chặt cây để đẩy gốc cây nặng nề sang bên cho xe qua. Trong rừng sâu không một bóng người, chỉ có tiếng xe, tiếng bước chân hò nhau đẩy xe leo dốc của 4 chiếc xe. Tắt tiếng động cơ, vạn vật im phăng phắc. Những thân cây lòa xòa đập liên tục vào mũ bảo hiểm. Con đường nhỏ xuyên dốc cao, xe cứ từ từ bò lên dốc, không đi nhanh được.

Bữa trưa gọn nhẹ được tiến hành để nạp năng lượng. Rồi cả hội lại nhanh chóng đi tiếp. Rừng lau đã hiện ra trước mặt. Những cành lau cao quá đầu người, phất phơ trong gió như những đôi bàn tay vẫy vẫy. Ngập sâu trong cánh rừng lau, chúng tôi chỉ cách nhau có vài mét đã không ai nhìn thấy ai vì lau ken dày cả lối đi, lút quá đầu người. Các xế chỉ nhìn theo con đường bé dưới đất mà đi. Đường qua ngọn đồi lau bé xíu và phải cẩn thận để không bị hụt chân vào khoảng không nếu bạn chống chân, bởi rất có thể phía bên kia là vực sâu đã bị những thân lau đánh lừa. Xe chầm chậm đi qua con đường lau. Trời bắt đầu chạng vạng và sương xuống giăng mờ lối đi. Không thể đi nhanh hơn, chúng tôi cẩn trọng từng cm xe đi, cẩn trọng với bước chân mình giẫm lên. Mặt đất ẩm lép nhép dưới những đôi giày.

Một đoạn sạt lở thực sự thử thách hiện ra. Đây có lẽ là đoạn khó khăn nhất mà bất cứ đoàn nào đi qua cũng nản. Không điểm bấu víu, một đoạn sạt dài phía trước chỉ có đất trơn trượt và vực sâu hun hút phía dưới. Chúng tôi ngồi nghỉ lại một chút trước khi thong dây kéo xe. Hai người giữ chặt bánh xe phía trước, hai người giữ chặt bánh xe phía sau, lò dò lăn từng chiếc xe qua đường. Vất vả cho các cậu con trai. Trong khi các cô ôm đứng phía bên này động viên, chụp ảnh quay phim, bốn chàng trai mệt nhoài đưa từng chiếc xe qua an toàn. Trời đã tối hẳn. Khi chiếc xe cuối cùng đi qua được điểm sạt cũng là lúc ánh nắng cuối cùng tắt nơi chân trời. Không kịp nghỉ, chúng tôi lên đường tìm về Hoàng Su Phì. Sau một hồi leo đèo dốc, chúng tôi lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh nơi có cột mốc ghi "Khu vực biên giới". Tự hào và vui sướng khôn tả.

Chúng tôi hoàn thành chuyến chinh phục Tây Côn Lĩnh huyền thoại khi đặt chân xuống đến Hoàng Su Phì vào lúc 20h30 tối. Lem nhem với đống quần áo màu bùn đất, những đôi giày bê bết bùn và đôi tay lạnh cóng, nhưng ai cũng vui sướng khôn cùng. Vậy là thay vì phải ngủ lại nơi hẻo lánh của vùng núi rừng hoang vu, sát biên giới Việt – Trung, giờ cả nhóm có thể quây quần bên nhau trong căn phòng khách sạn ấm cúng. Đường Tây Côn Lĩnh bây giờ đã có nhiều người đi hơn và được nhiều khám phá, nhưng đó vẫn là một con đường đáng tự hào để bạn tiến bước bởi tính chất hiểm trở của nó. Điều tôi vui hơn cả không phải việc chúng tôi chinh phục thành công một trong những con đường gian nan và hiểm trở nhất mà là niềm vui khi cả nhóm đều đã trở về bình an sau một chặng đường dài nguy hiểm. Cánh xế đã mỏi tay rã rời và những cô nàng ôm hứa sẽ có một buổi tẩm quất ra trò cho các chàng trai dũng cảm.

Sau chuyến chinh phục ấy, chúng tôi từ những người lạ trở thành bạn bè, những người thân. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua nhiều con đường khác nữa, nhưng vẫn luôn nhắc về chuyến đi Tây Côn Lĩnh. Một cung khủng trong những cung đường khủng nhất. Và theo như lời những người trong giới “phượt” vẫn nói, bạn đã có số có má trên giang hồ rồi đấy!

Thông tin thêm:

+ Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên dãy núi cùng tên ở phía tây tỉnh Hà Giang, thuộc huyện Hoàng Su Phì, cách thị xã Hà Giang 146 km. Đây là đỉnh cao nhất vùng đông bắc và là một trong những đỉnh núi cao nhất của Việt Nam. Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng của người dân tộc La Chí.

+ Năm 2007, một top đi phượt đầu tiên đã chinh phục được Bốt đen trên Tây Côn Lĩnh với vô vàn khó khăn, kể từ đó, đã có khá nhiều đoàn xe vượt qua con đường mòn này.

+ Tây Côn Lĩnh là một trong những cung đường nguy hiểm và khó chinh phục nhất miền Bắc. Để đi qua những con đường mòn hiểm trở và xóc tung người, bạn hãy chuẩn bị thật kĩ những đồ đạc mang theo, bao gồm cả dây thừng, lều bạt, đồ ăn uống, bếp… phòng trường hợp không kịp vượt qua núi trong đêm và phải ngủ lại trong rừng.

+ Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân và xin phép đồn biên phòng gần nhất vì đây là khu vực biên giới.

Bài và ảnh: Yutaka

LATEST NEWS
MAY YOU LIKE IT
BEST IN TRAVELLIVE